Bệnh thận yếu và cách chữa trị giúp “thận khỏe – vui sống”

Đánh giá bài viết

Bệnh thận yếu là tình trạng suy giảm chức năng của thận dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe như đau lưng, tiểu nhiều về đêm, suy giảm khả năng sinh lý… Hiện có nhiều cách chữa thận yếu hiệu quả, tuy nhiên trước tiên người bệnh cần tìm hiểu kỹ hơn về căn bệnh này bởi chỉ khi hiểu đúng bệnh thì chúng ta mới đề ra phương pháp điều trị chính xác.

Nội dung bài viết bao gồm:
Chức năng của thận
Bệnh thận yếu – Đừng chủ quan

  1. Dấu hiệu cho thấy thận đang suy yếu
  2. Nguyên nhân nào khiến thận yếu đi?
  3. Tác hại của bệnh thận yếu

11 cách chữa bệnh thận yếu hiệu quả nhất từ dân gian
Sử dụng thuốc chữa bệnh thận yếu
Điều trị bệnh thận yếu bằng thói quen ăn uống, sinh hoạt
Cách phòng bệnh thận yếu

Chức năng của thận

Thận nằm trong nhóm các cơ quan nội tạng quan trọng hàng đầu. Trong mỗi người chúng ta khi sinh ra đều có hai quả thận có hình dáng tương tự như hạt đậu nằm đối xứng hai bên cột sống, sát thành khoang bụng ở phía lưng. Trung bình, mỗi quả thận thường có kích thước khoảng 10-12 cm tính theo chiều dài và 5-7 cm tính theo chiều rộng.

Chức năng của thận

Dù có kích thước khá khiêm tốt nhưng thận lại đảm nhận những chức năng vô cùng quan trọng như:

  • Lọc bỏ những chất độc hại ra khỏi cơ thể
  • Cân bằng lượng nước, các chất khoáng trong cơ thể và bài tiết nước tiểu
  • Tái hấp thu các chất dinh dưỡng như Na, K, Ca, Mg qua ống thận để đưa vào máu
  • Ổn định huyết áp, giúp tạo máu nhiều hơn
  • Thải bớt các chất  ure, acid uric, ammoniac có trong máu khi những chất này vượt quá nồng độ cho phép. Từ đó giúp cơ thể luôn được khỏe mạnh, hạn chế được nhiều bệnh tật.

Ngày nay, rất nhiều người đang phải đối mặt với những vấn đề chung như đau lưng, mỏi gối, tiểu nhiều lần, da dẻ ngứa ngáy khó chịu… Chủ yếu do chức năng của thận bị suy yếu. Tình trạng này nếu không có cách khắc phục sẽ gây ra hàng loạt các vấn đề về sức khỏe, điển hình nhất là bệnh thận yếu.

Bệnh thận yếu – Đừng chủ quan

Theo tiến sĩ Joseph Vassalotti (Giám đốc Y khoa tại Tổ chức Thận Quốc gia của Mỹ), cho biết: Hiện nay, tại Hoa Kỳ có 30 triệu người ở lứa tuổi trưởng thành đang sống chung với bệnh thận yếu mà không biết. Lý do bởi một số người không gặp bất kì triệu chứng nào cho đến giai đoạn cuối, nhưng cũng có nhiều trường hợp dù đã sớm phát hiện ra các dấu hiệu lạ nhưng lại suy đoán mình mắc  căn bệnh khác.

Bệnh thận yếu
Bệnh thận yếu cần được chữa trị sớm để tránh những biến chứng nguy hiểm

Tại Việt Nam, trong những năm qua, tỷ lệ người tới các chuyên khoa tiết niệu khám và điều trị thận yếu cũng ngày một tăng. Những đối tượng bị bệnh chủ yếu là người trên 60 tuổi, nam giới hay hút thuốc lá, uống bia rượu và những người có tiền sử bị cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường…

Bệnh thận yếu có thể xảy ra ở cả nam và nữ. Nó diễn tiến một cách âm thầm gây nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe, sinh lý và khả năng sinh sản. Do vậy chúng ta không nên chủ quan khi nhận thấy bất cứ triệu chứng bất thường nào dưới đây.

1. Dấu hiệu cho thấy thận đang suy yếu

Tổ Chức Thận Quốc Gia Mỹ đã công bố danh sách 12 dấu hiệu thường gặp nhất ở người bị thận yếu. Đây đều là những biểu hiện khá mơ hồ và đôi khi nó lại xảy ra ở các bộ phận khác trong cơ thể. Tuy nhiên bạn không được phép bỏ qua khi gặp bất cứ triệu chứng nào được liệt kê ngay sau đây:

  • Trong người mệt mỏi, thiếu sức sống, kém tập trung:

Khi chức năng thận bị suy giảm, chất độc và tạp chất có thể tích tụ trong máu. Bệnh nhân cũng có thể gặp biến chứng thiếu máu khiến cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, không muốn làm bất cứ việc gì.

  • Mất ngủ:

Chất độc tích tụ trong máu cũng có thể gây kích thích thần kinh khiến bệnh nhân khó ngủ. Nguy hiểm hơn, những người bị thận yếu lâu năm có thể bị ngưng thở trong lúc ngủ.

  • Khô và ngứa ngoài da: 

Khi thận yếu thì chức năng điều tiết nước cũng như các khoáng chất và chất dinh dưỡng trong máu bị suy giảm, làm da trở nên khô và xấu. Một phần chất độc còn tích tụ dưới da khiến da bị nổi mẩn ngứa ngáy khó chịu.

Ngứa ngoài da là dấu hiệu của bệnh thận yếu
Ngứa ngoài da là dấu hiệu thường gặp của bệnh thận yếu
  • Đi tiểu nhiều hơn:

Người bị thận yếu sẽ đi tiểu nhiều lần trong ngày, đặc biệt là vào ban đêm do cầu lọc thận bị suy yếu. Bạn nên thận trọng với căn bệnh này khi đi tiểu nhiều hơn 10 lần trong ngày hoặc một đêm đi tới 3-4 lần.

  • Trong nước tiểu có máu:

Khi bộ lọc của thận có dấu hiệu bị suy yếu, hư hại thì các tế bào máu có thể bị rò rỉ vào nước tiểu trong quá trình thận lọc bỏ chất thải ra khỏi máu. Do vậy mà một số trường hợp bị thận yếu có thể thấy máu trong nước tiểu.

  • Nước tiểu nổi bọt: 

Sự xuất hiện của bọt trong nước tiểu chính là do sự hiện diện của protein không được chuyển hóa hết. Người bệnh sẽ thấy nước tiểu nổi nhiều bọt giống như khi chúng ta đánh lòng trắng trứng gà.

  • Xuất hiện bọng mắt: 

Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy protein đã bị rò rỉ một lượng lớn vào nước tiểu khi chức năng của thận bị suy giảm. Kèm theo đó, mắt cá chân, bàn chân hay bàn tay cũng có thể bị phù.

  • Biếng ăn: 

Hiện tượng biếng ăn do nhiều nguyên nhân gây ra, tuy nhiên chúng ta cũng không nên ngoại trừ bệnh thận yếu. Khi mắc căn bệnh này thì chất độc tích tụ quá nhiều trong máu se khiến người bệnh mất cảm giác ngon miệng, chán ăn.

  • Chuột rút cơ bắp: 

Nồng độ canxi thấp và khả năng kiểm soát photpho của thận kém sẽ khiến các cơ bị co thắt. Điều này giải thích tại sao một số người mắc bệnh thận yếu hay bị chuột rút.

  • Tóc khô xơ và gãy rụng:

Trong cơ thể, thận khí quyết định đến mái tóc. Chính vì vậy khi thận khí suy nhược thì mái tóc cũng trở nên khô xơ và gãy rụng nhiều.

  • Đau mỏi thắt lưng:

Những cơn đau mỏi âm ỉ ở vùng thắt lưng có thể xuất hiện thường trực khi bị thận yếu. Nhiều trường hợp khó khom lưng hay đứng thẳng lên như người bình thường. Để tìm hiểu kĩ hơn về triệu chứng này thì bạn nên tham khảo bài viết này: Bệnh thận yếu gây đau lưng – Dấu hiệu không nên xem thường

  • Sợ lạnh, hay rùng mình: 

Khi thận khí hư nhược, cơ thể sẽ rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết. Họ luôn có cảm giác lạnh hơn người khác và chỉ cần một cơn gió thổi qua cũng gây rùng mình. Điều này được thể hiện rõ nét khi sờ vào bàn tay bàn chân của người bệnh sẽ thấy rất lạnh.

2. Nguyên nhân nào khiến thận yếu đi?

Chỉ khi hiểu rõ được các nguyên nhân gây thận yếu thì chúng ta mới có phương pháp điều trị và dự phòng bệnh hiệu quả. Cùng điểm qua những tác nhân khiến chức năng thận bị suy yếu mà ai trong chúng ta cũng có thể mắc phải:

  • Béo phì:

Thống kê cho thấy có đến 38% người bị thừa cân có kèm theo chứng thận yếu. Điều này cho thấy mối tương quan mật thiết giữa hai chứng bệnh này.

Béo phì là nguyên nhân gây thận yếu
Béo phì là nguyên nhân gây thận yếu nhiều người mắc phải
  • Ít vận động:

Ngồi nhiều, đứng lâu một chỗ khiến cho khí huyết trì trệ, hoạt động chuyển hóa chất đường và chất béo trong cơ thể cũng không tốt. Điều này làm tăng gánh nặng cho thận và nếu kéo dài sẽ khiến thận bị suy yếu.

  • Tuổi cao:

Nguy cơ mắc bệnh thận yếu cũng tăng dần mỗi khi chúng ta lớn thêm một tuổi. Lúc này không riêng gì thận mà toàn bộ cơ quan trong cơ thể cũng dần bị lão hóa.

  • Bệnh tật: 

Số lượng người mắc thận yếu do bệnh tiểu đường gây ra chiếm tới 20%. Ngoài ra, những người có tiền sử mắc bệnh viêm tuyến tiền liệt, viêm đường tiết niệu, sỏi thận, sa tử cung ở nữ giới cũng rất dễ mắc thận yếu.

  • Dùng thuốc tây bừa bãi:

Khi lạm dụng thuốc tây chữa bệnh một cách vô tội vạ thì dễ làm suy yếu chức năng của thận

  • Chế độ ăn uống không khoa học:

Uống ít nước lọc, trong khi uống nhiều nước ngọt có ga, bia rượu, ăn nhiều chất béo, đồ ngọt hoặc ăn quá mặn sẽ tạo gánh nặng cho thận. Qua đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận yếu.

3. Tác hại của bệnh thận yếu

Nhiều người cứ nghĩ bệnh thận yếu không có gì nguy hiểm và không cần chữa trị. Thế nhưng bệnh kéo dài sẻ gây ra nhiều biến chứng nguy hại cho sức khỏe mà chúng ta không thể lường trước được.

  • Biến chứng tim mạch:

Người mắc bệnh thận yếu sẽ mất khả năng kiểm soát, ổn định huyết áp trong cơ thể. Điều này khiến cho huyết áp tăng cao gây biến chứng nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, đột quỵ.

  • Thiếu máu: 

Khi thận bị suy yếu, các hormone chịu trách nhiệm thúc đẩy tủy xương sản sinh ra hồng cầu là Erythropoietin sẽ không còn được thận tiết ra nhiều. Do vậy mà người bị thận yếu cũng rất dễ bị thiếu máu khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược.

  • Rối loạn chất điện giải:

Thận yếu sẽ dẫn đến sự mất cân bằng các khoáng chất như canxi, kali, photpho… trong cơ thể. Hậu quả là bệnh nhân tiêu hóa kém, ăn uống không ngon miệng, xương khớp không được cứng cáp và dễ bị gãy.

  • Đầu óc kém minh mẫn:

Hiện tượng rối loạn giấc ngủ do thận yếu lâu ngày gây ảnh hưởng trực tiếp đến thần kinh trung ương. Thiếu ngủ sẽ khiến người bệnh bị suy giảm trí nhớ, đầu óc kém minh mẫn, mất tập trung khi làm việc.

  • Suy thận:

Suy thận là một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh thận yếu. Nếu không được điều trị kịp thời, căn bệnh này có thể tiến triển nhanh chóng gây đe dọa trực tiếp đến tính mạng.

  • Suy giảm khả năng sinh lý:

Dấu hiệu này có thể xảy ra ở cả nam và nữ. Nam giới bị thận yếu thì thường bị xuất tinh sớm, rối loạn cương dương, yếu sinh lý. Bệnh cũng khiến cho nữ giới trở nên lãnh cảm, không còn ham muốn tình dục.

Thiếu máu là tác hại của bệnh thận yếu
Thiếu máu là một trong những biến chứng của bệnh thận yếu
  • Ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản:

Khi bị bệnh thận yếu đồng nghĩa với việc khả năng điều tiết lượng máu đến các bộ phận sinh dục nam và nữ bị giảm sút. Điều này có thể làm suy giảm khả năng sản xuất cũng như chất lượng tinh trùng của nam giới, khiến các quý ông đứng trước nguy cơ bị vô sinh, hiếm muộn rất cao. Vấn đề này đã được chúng tôi đề cập và giải thích chi tiết trong bài: Nam giới bị thận yếu có ảnh hưởng đến tinh trùng? có bị vô sinh không?

Trong khi đó ở nữ giới, thận yếu sẽ kéo theo dương khí lẫn âm khí đều bị hư nhược. Vì vậy mà chị em phụ nữ sẽ khó thụ thai và dễ bị vô sinh.

Như bạn cũng thấy, bệnh thận yếu nguy hiểm hơn chúng ta tưởng tượng rất nhiều. Nhưng đừng lo lắng, điều may mắn là hiện tại bệnh có thể được trị khỏi với những phương pháp dưới đấy nếu được phát hiện sớm.

11 cách chữa bệnh thận yếu hiệu quả nhất từ dân gian

Một số cách chữa bệnh thận yếu tại nhà như xoa bóp lưng và bàn chân, dùng kim tiền thảo hay nha đam…có tác dụng điều trị, ngăn chặn bệnh rất tốt, với các trường hợp nhẹ có thể trị khỏi hoàn toàn.

1. Mẹo xoa bóp vùng thắt lưng chữa thận yếu

Phần thắt lưng được đông y coi là phủ của thận. Nơi này chứa huyệt Yêu Nhãn (còn gọi là Yêu Mục Khiếu), thường xuyên kích thích vào huyệt này có tác dụng đả thông các mạch máu, làm cột sống vững chắc hơn và cải thiện chức năng hoạt động của thận.

Cách thực hiện:

Trước tiên chúng ta cần xác định chính xác vị trí huyệt Yêu Nhãn. Huyệt này gồm có 2 cái nằm đối xứng hai bên cột sống ngay phía trên chòm xương chậu. Khi thực hiện dùng đầu ngón tay cái day ấn mạnh vào để làm nóng huyệt. Nếu đúng vị trí thì bạn sẽ thấy cảm giác hơi buồn và tê khi chúng ta bấm vào huyệt.

Ngoài cách xoa bóp, người bệnh có thể tham khảo mẹo bấm huyệt chữa thận yếu cũng khá đơn giản nhưng lại có hiệu quả tương đối tốt. Tuy nhiên, việc bấm huyệt phải cần đến những người có chuyên môn mới thực hiện được.

2. Cách xoa bóp lòng bàn chân trị thận yếu

Ở lòng bàn chân của chúng ta có rất nhiều huyệt quan trọng đối với sức khỏe của thận nói riêng và toàn bộ cơ thể nói chung. Chính vì vậy, những người bị thận yếu cũng được khuyên mỗi ngày nên dành ra một chút thời gian để xoa bóp bàn chân, đặc biệt là ở khu vực giữa lòng bàn chân- nơi phản chiếu của thận.

Xoa bóp lòng bàn chân là cách chữa thận yếu hiệu quả
Xoa bóp lòng bàn chân là cách chữa thận yếu hiệu quả

Cách thực hiện:

Vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, bạn ngâm chân vào nước ấm khoảng 15 phút. Sau đó dùng bàn tay chà mạnh và xoa lòng bàn chân theo vòng tròn. Trong quá trình thực hiện nếu thấy bất kì điểm nào trên lòng bàn chân bị đau thì dùng ngón tay ấn mạnh vào khoảng 10 giây.

Thực hiện mẹo trị thận yếu này hàng ngày có tác dụng chống trì trệ khí huyết, bổ thận khí, giảm stress, giúp các cơ quan trong cơ thể hoạt động khỏe mạnh hơn.

3. Chữa thận yếu bằng kim tiền thảo

Kim tiền thảo là một trong số ít loại thảo dược dân gian được ông bà ta tin dùng để điều trị bệnh thận yếu. Loại cây này được y học cổ truyền xếp vào nhóm các dược liệu có tác dụng thanh nhiệt, trị nóng trong, lợi tiểu, hỗ trợ giải độc gan thận, trị sỏi thận. Ngoài ra, hoạt chất được chiết xuất từ kim tiền thảo có có khả năng kháng viêm tự nhiên, giúp đẩy lùi tình trạng viêm nhiễm gây tổn thương thận.

Cách sử dụng:

Kim tiền thảo khi thu hoạch về chúng ta tận dụng cả  rễ, thân và lá nấu nước uống. Trường hợp dùng khô thì uống 60-80g một ngày ( tương đương 120-160g dược liệu tươi).

Nếu bị thận yếu do mắc viêm thận có thể dùng bài thuốc sau: Dùng kim tiền thảo ( 40g) kết hợp với dành dành và chút chít ( mỗi vị 10g) + mộc thông và ngưu tất ( mỗi loại 20g). Đem thuốc sắc lấy nước chia 2 lần uống trong ngày, mỗi ngày uống 1 thang.

!!! Cảnh báo:

Kim tiền thảo dù có tác dụng tốt đối với người bị thận nhưng ngược lại nếu dùng không đúng cách có thể gây nhiều tác dụng phụ như: Nổi mẩn, dị ứng, tiêu chảy, gây hại cho gan… Do đó, những bệnh nhân có cơ địa dị ứng, người đi tiêu phân lỏng hoặc có tì hư thì không nên dùng.

4. Cách phục hồi thận yếu bằng râu ngô

Vào mùa hè, chúng ta thường nấu nước râu ngô để uống với mục đích giải nhiệt, làm mát cơ thể. Ngoài tác dụng trên, nước râu ngô còn có tác dụng thanh lọc cơ thể, làm giảm các triệu chứng tiểu buốt, tiểu rắt do thận yếu gây ra.

Bài thuốc chữa bệnh thận yếu từ râu ngô như sau:

Mỗi ngày bạn nên dùng 50g râu ngô tươi, sợi to, bóng mượt và có màu nâu nhung đem nấu với 2l nước sạch để uống. Có thể phơi râu ngô cho khô rồi dự trữ uống dần giúp quá trình điều trị không bị gián đoạn. Một liệu trình chúng ta nên duy trì uống 10 ngày, sau đó nghỉ 10 ngày rồi mới tiếp tục dùng cho đến khi khỏi bệnh.

**Lưu ý: Không nên uống nước râu ngô vào buổi tối gây tiểu nhiều về đêm, làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.

5. Cách chữa thận yếu bằng bồ công anh

Theo kinh nghiệm dân gian còn lưu truyền, bồ công anh có rất nhiều tác dụng chữa bệnh như trị mụn nhọt, chống tắc sữa, trị đau dạ dày, kích thích tiêu hóa… Đặc biệt loại cỏ này còn có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, tiêu thũng, hỗ trợ điều trị thận yếu, suy thận.

Thận yếu và cách chữa trị bằng bồ công anh
Dùng bồ công anh trị thận yếu là cách nhiều người đang áp dụng

Cách phục hồi thận yếu với bồ công anh:

Chuẩn bị một thang thuốc gồm bồ công anh (40g), hạt dành dành (15g), hoạt thạch (30g).  Cho tất cả vào ấm sắc chung, uống 1 thang mỗi ngày.

6. Cách trị thận yếu bằng nước rau mùi tây

Nước rau mùi tây được xem như là một vị thuốc lợi tiểu, thanh lọc thận hoàn hảo và được người dân ở nhiều nước trên thế giới sử dụng để chữa trị thận yếu. Đây cũng là nguồn cung cấp vitamin A, B, C cùng các loại khoáng chất như kali, đồng dồi dào giúp nâng cao sức khỏe một cách toàn diện.

Cách sử dụng:

Khá đơn giản, bạn hãy lấy 200g cần tây đem xay chung với 100ml nước đun sôi để nguội. Lọc lấy nước cốt cần tây uống mỗi ngày một ly. Hoặc có thể lấy cần tây đem nấu trực tiếp với nước uống cũng được.

7. Cách chữa bệnh thận yếu bằng trà thảo mộc

Ngoài trà bồ công anh, thì các bác sĩ chuyên khoa còn khuyến khích người bị bệnh thận yếu nên thường xuyên sử dụng các loại trà thảo mộc như trà xanh, trà bạch quả hay trà rau diếp cá… Chúng cung cấp nhiều chất chống oxy hóa và các hoạt chất tự nhiên giúp giải độc, nâng cao chức năng thận.

8. Cách phục hồi thận yếu bằng nước ép việt quất

Nghiên cứu cho thấy, các hợp chất hữu cơ có trong quả việt quất tỏ ra khá hiệu quả trong việc ngăn ngừa và cải thiện tình trạng nhiễm trùng ở thận. Ngoài ra, loại quả này cũng chứa nhiều carbohydrat, chất xơ, cùng hàm lượng cao các vitamin A, B, C, D, E, K giúp chống lại sự oxy hóa của các gốc tự do, bảo vệ sức khỏe thận.

Theo đó thì để điều trị bệnh thận yếu ở nam giới và  nữ giới, người bệnh nên duy trì uống 2-3 ly nước ép việt quất mỗi ngày trong các giai đoạn bệnh thận đang tiến triển nặng. Sau đó, giảm dần liều lượng vì uống quá nhiều có thể gây đau bụng, tiêu chảy.

9. Dùng rau ngò ôm trị thận yếu

Rau ngò ôm (rau ngổ) vừa có thể dùng làm thực phẩm, lại vừa có tác dụng làm thuốc chữa thận yếu nhưng không được nhiều người biết đến. Lý giải cho tác dụng này, các thầy thuốc Đông y cho rằng, rau ngò ôm có khả năng thông tiểu, kháng viêm và làm tăng khả năng đào thải chất độc cho thận. Thực tế có rất nhiều bệnh nhân bị sỏi thận cũng đã chữa bệnh thành công khi dùng rau ngò ôm.

Cách chữa thận yếu bằng rau ngò ôm
Rau ngò ôm có tác dụng giải độc, thông tiểu, kháng viêm rất tốt cho người bị thận yếu

Chính vì vậy, để cải thiện chức năng thận thì bệnh nhân nên thường xuyên dùng rau ngò ôm. Có thể ăn sống kèm thức ăn hoặc nấu, xào, luộc ăn đều được. Kết hợp lấy một nắm rau ngò ôm giã với vài hạt muối biển và chất lấy nước uống.

10. Mẹo chữa thận yếu bằng dấm táo

Sở hữu thành phần axit tự nhiên có lợi, giấm táo có rất nhiều tác dụng hữu ích mà chúng ta không ngờ tới. Loại nước này giúp kích thích tiêu hóa, bào mòn và phá vỡ sỏi, đồng thời cải thiện chức năng thải độc của thận.

Cách sử dụng:

Bạn lấy 2 thìa cà phê giấm táo pha trong 250 ml nước ấm và một chút mật ong. Uống hỗn hợp này 1-2 lần mỗi ngày để cải thiện chức năng của thận.

11. Cách chữa thận yếu bằng dầu Oliu

Dầu oliu vốn được sử dụng trong nhiều công thức làm đẹp cũng như chế biến món ăn. Nguyên liệu này nổi tiếng với tác dụng kháng viêm và giải độc cho cơ thể. Chúng ta cũng có thể tận dụng đặc tính này của dầu oliu để khắc phục bệnh thận yếu.

  • Cách 1: Lấy 2-3 thìa dầu ôliu pha với một chút nước ấm uống
  • Cách 2: Dùng dầu oliu pha với nước cốt chanh và nước ấm theo tỷ lệ bằng nhau. Uống hỗn hợp này hàng ngày vừa giúp nâng cao sức đề kháng, vừa có tác dụng tán sỏi, cải thiện chứng thận yếu do mắc bệnh sỏi thận.

Khi áp dụng những phương pháp điều trị thận yếu từ dân gian, bệnh nhân phải kiên trì thực hiện đều đặn ít nhất là vài tháng để thấy được sự thay đổi rõ rệt bên trong cơ thể.

Sử dụng thuốc chữa bệnh thận yếu

Trong một số trường hợp, người bị thận yếu phải dùng đến thuốc mới có thể chữa khỏi bệnh. Nếu như các loại thuốc tân dược cho tác dụng nhanh và mạnh nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro về tác dụng phụ thì thuốc trị thận yếu từ đông y lại cho tác dụng từ từ nhưng có tính an toàn cao.

1. Thuốc tây chữa bệnh thận yếu

Trường hợp bị bệnh nặng, việc sử dụng thuốc tân dược để điều trị bệnh thận yếu là điều cần thiết nhằm ngăn chặn không cho bệnh phát triển nặng thêm gây ra các biến chứng nguy hiểm. Thông qua các xét nghiệm cơ bản như xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm, sinh thiết thận… bác sĩ sẽ chẩn đoán được chính xác mức độ nghiêm trọng ở từng bệnh nhân và chỉ định dùng thuốc phù hợp.

Thuốc chữa thận yếu do bác sĩ kê

Một số loại thuốc chữa thận yếu thường có trong đơn thuốc điều trị cho những người mắc căn bệnh này bao gồm:

– Captopril:

  • Tác dụng: Thuốc hoạt động bằng cách làm giảm huyết áp, giúp khắc phục và ngăn ngừa các bệnh lý ở thận do tình trạng tăng huyết áp gây nên.
  • Cách dùng thuốc: Mỗi lần 25mg x 2-3 lần/ ngày. Uống trước khi ăn ít nhất 1 tiếng
  • Phản ứng phụ có thể gặp: Phát ban, mẩn ngứa, đau dạ dày, tức ngực, khó thở, sưng môi và mặt…

Lisinopril

  • Tác dụng: Lisinopril có tác dụng điều trị tăng huyết áp, cải thiện lưu thông máu qua thận. Đồng thời thuốc cũng giúp bảo vệ thận khỏi những tác hại của bệnh đái tháo đường.
  • Cách dùng thuốc: Dùng thuốc vào buổi sáng theo liều lượng chỉ định của bác sĩ. Không dùng Lisinopril cùng lúc với các loại thuốc lợi tiểu, thuốc chống viêm không steroid.
  • Phản ứng phụ có thể gặp: Đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, tiêu lỏng, phù mạch…

– Losartan:

  • Tác dụng: Losartan là thuốc thuộc nhóm angiotensin. Thuốc này có tác dụng ức chế thụ thể, làm giãn nở các mạch máu, giảm huyết áp, làm chậm tiến trình suy thận và ngăn ngừa các biến chứng ở thận khi mắc bệnh tiểu đường.
  • Cách dùng thuốc: Uống với liều khởi đầu là 50mg x 1 lần/ ngày. Sau đó có thể tăng giảm liều lượng xuống tối thiểu là 25mg và tối đa là 100mg tùy theo khả 3 năng đáp ứng với thuốc.
  • Phản ứng phụ có thể gặp: Hoa mắt, chóng mặt, đau rát khi đi tiểu, chán ăn, buồn nôn, tăng kali huyết.

Riêng đối với những trường hợp bị thận yếu nặng, bệnh nhân có biến chứng suy thận thì cần tiến hành chạy thận. Phương pháp này sẽ giúp thay thế thận thực hiện các chức năng lọc máu, loại bỏ chất độc hại và điều chỉnh lượng nước cho cơ thể. Tuy nhiên nó chỉ giúp phục hồi một phần chức năng của thận chứ không thể chữa khỏi suy thận.

2. Bài thuốc đông y điều trị bệnh thận yếu

Đông y quan niệm, thận là khu vực trú ngụ của thủy hỏa và cũng là nơi ký gửi của nguyên âm,nguyên dương. Khi một trong hai phần bị hư hại thì phần còn lại cũng bị ảnh hưởng gây suy giảm chức năng tình dục, đau lưng, mỏi gối, phù mạch, đi tiểu nhiều lần…

Bài thuốc đặc trị bệnh thận yếu từ đông y

Để điều trị bệnh thận yếu, y học cổ truyền có các bài thuốc như sau:

# Bài thuốc số 1:

  • Thành phần: Sinh địa (12g), bắc sa sâm ( 16g), kỷ tử ( 12g), khổ luyện tử (8g),mạch môn (12g), đương quy (12g).
  • Cách dùng thuốc: Các vị thuốc rửa cho sạch bụi, cho hết vào trong ấm sắc uống. Số thuốc thu được chia làm 3 lần dùng. Mỗi ngày 1 thang.
  • Tác dụng: Bài thuốc chủ trị chứng thận yếu có các biểu hiện đau hai bên mạng sườn, đổ mồ hôi trộm vào ban đêm, hoa mắt, đau đầu, hay bị sốt về chiều.

# Bài thuốc số 2:

  • Thành phần: Cẩu tích (15g), xuyên khung (4g), cốt toái bổ (12g), bạch chỉ (4g), tục đoạn (12g), đương quy (10g).
  • Cách dùng: Các vị thuốc đã chuẩn bị hợp thành một thang. Trộn chúng chung với nhau và cho vào ấm sắc cùng 500 ml nước. Khi nước sôi điều chỉnh lửa nhỏ liu riu cho đến khi cạn còn một nửa thì gạn lấy nước, chia 2 lần uống.
  • Tác dụng: Làm giảm các triệu chứng tiểu nhiều về đêm, đau thắt lưng, cải thiện chức năng hoạt động của thận.

# Bài thuốc số 3:

  • Thành phần: trạch tả (12g), sơn thù (8g), thục địa ( 16g), cúc hoa (12g), kỷ tử (12g), hoài sơn (12g), đan bì (12g), bạch linh (12g).
  • Cách dùng thuốc: Tương tự như các bài thuốc trên, bệnh nhân đem thuốc sắc uống. Dùng mỗi ngày 1 thang, qua ngày hôm sau thì thay thuốc mới.
  • Tác dụng: Cải thiện chứng choáng váng đầu óc do thận yếu, chống mệt mỏi, cải thiện sức khỏe.

*** Lưu ý: Tác dụng của các bài thuốc chữa bệnh thận yếu từ đông y phụ thuộc vào cơ địa. Không áp dụng cho mọi trường hợp, bệnh nhân cần tìm đến các cơ sở khám chữa thận yếu chuyên về đông y để được bắt mạch, gia giảm liều lượng thuốc cho phù hợp.

Điều trị bệnh thận yếu bằng thói quen ăn uống, sinh hoạt

Như trong phần nguyên nhân chúng tôi có đề cập, chế độ ăn uống kém khoa học cùng những thói quen sinh hoạt bừa bãi như ít vận động, nhịn tiểu… là những tác nhân trực tiếp khiến cho thận bị yếu dần. Do vậy nếu biết cách điều chỉnh lại cách ăn uống cũng như lối sống cho khoa học thì sẽ giúp cải thiện được bệnh thận yếu, điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với những trường hợp bị bệnh ở mức độ nhẹ.

1. Cách chữa thận yếu qua ăn uống

# Bổ sung nước đúng cách giúp trị thận yếu

Nhiều bệnh nhân bị thận yếu lo ngại việc đi tiểu quá nhiều nên hạn chế lượng nước uống trong ngày. Điều này vô tình khiến các tế bào bị suy yếu, làm giảm khả năng đào thải chất độc trong cơ thể. Tuy nhiên nếu uống quá nhiều nước lại gây rối loạn điện giải và làm tăng gánh nặng cho thận.

Uống nước là cách phục hồi thận yếu đơn giản
Uống nước là cách phục hồi thận yếu đơn giản nhưng không phải ai cũng biết làm sao cho đúng

Vậy người bị thận yếu cần uống nước như thế nào cho đúng?

Theo bác sĩ Lê Thị Hải (Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia – Hà Nội) thì khi uống nước, người bị thận yếu nên tuân thủ một số vấn đề sau:

  • Không nên đợi đến khi cơ thể khát rồi mới uống nước. Hãy tập cho mình thói quen uống nước đều đặn ngay cả khi không khát.
  • Không cố gắng uống nhiều cùng một lúc. Khi uống nhấp từng ngụm nhỏ để thành ruột thẩm thấu nước dễ dàng. Chia đều lượng nước uống đều đặn vào những khoảng thời gian trong ngày.
  • Nếu trong ngày có dùng các món ăn lỏng như súp, canh hay cháo… thì nên giảm lượng nước lọc tiêu thụ.
  • Luôn nhớ uống 1-2 ly nước ấm vào buổi sáng khi ngủ dậy. Điều này sẽ giúp làm sạch đường ruột, thanh lọc cơ thể.
  • Ngoài nước lọc, nước canh rau có thể dùng thêm nước trái cây để bổ sung các dưỡng chất thiết yếu, giúp chữa lành các tổn thương trong thận.

# Giảm muối, kali, protein 

Người bị bệnh thận yếu nên cắt giảm những thức ăn chứa nhiều muối trong bữa ăn. Nếu ăn quá mặn sẽ tăng gánh nặng cho thận, làm cơ thể bị tích nước, phù và tăng huyết áp. Mỗi ngày bệnh nhân chỉ nên dùng 1-2 g muối là đủ.

Tương tự việc ăn những thức ăn chứa nhiều kali (chanh, lựu, động phộng, mít, các loại quả sấy khô) lại làm tăng lượng kali trong máu, gây nguy cơ suy tim, tử vong rất nguy hiểm. Trong khi đó, ăn quá nhiều đạm lại gây xơ hóa cầu thận, đẩy nhanh tốc độ suy thận. Do vậy người bệnh nên hạn chế ăn các thức ăn quá nhiều đạm như thịt gà, phô mai, thịt bò,…

# Tăng cường rau xanh và hoa quả tươi

Đây là nguồn bổ sung chất xơ, vitamin và các khoáng tố có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là người đang bị suy thận. Bệnh nhân nên thường xuyên ăn ớt đỏ, súp lơ, bắp cải rau cần, bí đỏ. Các loại trái cây như táo, nho đỏ, quả việt quất, anh đào, dâu tây sẽ cung cấp chất chống oxy hóa giúp hỗ trợ kháng viêm, bảo vệ sức khỏe của thận.

# Kiêng tuyệt đối các chất kích thích

Thuốc lá, bia, rượu hay các loại nước uống có cồn không chỉ khiến thận suy yếu nhanh hơn mà còn gây hại cho sức khỏe. Vì vậy bệnh nhân nên nói không với các chất kích thích này ngay cả khi không bị bệnh.

Chúng tôi đã có một bài viết phân tích đầy đủ về chế độ ăn uống , giúp người bệnh biết được bị thận yếu nên ăn gì và không nên ăn. Quý độc giả nên tham khảo thêm để biết cách ăn uống cho phù hợp.

 2. Chữa bệnh thận yếu qua lối sống hàng ngày

Trong sinh hoạt hàng ngày bệnh nhân cần chú ý:

# Tập thể dục thường xuyên

Khi bị thận yếu, sức khỏe của người bệnh sẽ bị suy giảm đáng kể. Để cải thiện sức khỏe, bệnh nhân cần tích cực vận động thể chất, tập luyện các bài tập thể dục thể thao vừa sức. Tốt nhất là nên tập luyện các bộ môn có cường độ vừa phải như đi bộ, tập yoga, ngồi thiền, tập dưỡng sinh, bơi lội…

Khi thận bị yếu nên tập thể dục thường xuyên

# Đi tiểu ngay khi có nhu cầu

Nhiều người có thói quen nhịn tiểu nên nước tiểu thường lưu lại quá lâu trong bàng quang gây áp lực lên thận khiến thận suy yếu nặng hơn. Do đó, cần thay đổi thói quen nhịn tiểu ngay từ bây giờ.

# Đảm bảo ngủ đủ giấc

Thiếu ngủ, mất ngủ kéo dài là một trong những nguyên nhân khiến cho thận bị tổn thương và suy yếu. Do vậy người bệnh cần đảm bảo ngủ đủ 7-8 tiếng một ngày để cơ thể nhanh chóng phục hồi năng lượng và có thời gian sửa chữa các tổn thương ở thận.

Cách phòng bệnh thận yếu

Để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh thận yếu, chúng ta có thể áp dụng những biện pháp đơn giản dưới đây:

  • Cung cấp đủ nước cho cơ thể, ít nhất là 6-8 ly một ngày. Nước sẽ giúp hỗ trợ đào thải chất độc ra khỏi cơ thể qua đường nước tiểu và ngăn ngừa sỏi thận.
  • Thường xuyên ăn những thực phẩm có tác dụng làm sạch cơ thể như giấm táo, lòng trắng trứng, ớt chuông, bắp cải, quả nam việt quất. Đây cũng là những thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp bảo vệ các tế bào thận khỏi bị tổn thương khi mắc các căn bệnh như cao huyết áp, tiểu đường.
  • Bổ sung đầy đủ magie cho cơ thể bởi thiếu chất này chất độc sẽ có cơ hội tích tụ lại trong thận.  Magie được tìm thấy nhiều trong các loại rau màu xanh lá đậm, ngũ cốc hay các loại hạt.
  • Thực hiện chế độ ăn nhạt và cân đối khẩu phần đạm trong bữa ăn. Các chuyên gia khuyến nghị, mỗi ngày chúng ta chỉ nên ăn 0,8g chất đạm x tổng mức trọng lượng cơ thể. Tốt nhất là bổ sung đạm dễ tiêu hóa từ cá hay đậu nành.
  • Tránh lạm dụng rượu bia và các chất kích thích khác như trà đặc, nước ngọt có ga, thuốc lá.
  • Thận trọng khi dùng các loại thuốc tân dược, đặc biệt là thuốc giảm đau
  • Khi mắc tiểu nên đi vệ sinh ngay. Không nên nín nhịn quá lâu làm gia tăng sức ép lên bàng quang cũng như thận.

Trên đây là những phương pháp phòng ngừa và chữa bệnh thận yếu tốt nhất hiện nay. Là một bệnh lý có nhiều biến chứng nguy hiểm, bệnh nhân nên nhờ sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa để tìm một phương pháp điều trị phù hợp và áp dụng ngay khi mắc phải.

Người bị thận yếu nên biếtThận yếu đi tiểu nhiều lần làm sao chữa?

Đánh giá bài viết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

messenger
Ẩn